Quyền lợi của người mua bán ôtô cũ sẽ thế nào sau ngày 15/8
Đang sử dụng ôtô chưa sang tên đổi chủ, anh Hoàng lo lắng về quyền lợi và “số phận” pháp lý của chiếc xe này khi sắp áp dụng quản lý biển số định danh.
Mua ôtô cũ từ sáu năm trước nhưng anh Danh Hoàng, trú quận Hà Đông, Hà Nội, chưa “sang tên, đổi chủ”. Anh mua xe bằng hợp đồng mua bán và giữ nguyên biển số, giấy đăng ký của chủ cũ để “lấy biển Hà Nội”. Hồi đó, anh Hoàng hộ khẩu vẫn ở quê nên nếu sang tên sẽ mang “biển số tỉnh”.
Khi biết quy định mới về biển số định danh, anh Hoàng không thể liên lạc được với chủ xe cũ để làm thủ tục sang tên. Anh hoang mang về quyền sở hữu của mình, sau ngày 15/8.
Theo thông tư 24/2023 của Bộ Công an, biển số ôtô, xe máy được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe, còn gọi là biển số định danh. Biển 5 số sẽ mặc định là biển số định danh, còn ai sở hữu biển 3 số, 4 số vẫn sử dụng bình thường và nếu có nhu cầu có thể đổi sang biển 5 số để quản lý theo mã định danh cá nhân.
Luật sư Trần Ngọc Thạch (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích, như vậy xe không chính chủ đã đăng ký biển 5 số thì biển đó mặc định là biển số định danh của người đang đứng tên trên giấy đăng ký xe chứ không phải người đang sử dụng. Chủ xe trong trường hợp này được xác định là chủ cũ chứ không phải anh Hoàng.
Luật sư Thạch khuyến cáo khi mua bán xe, người dân cần hoàn tất thủ tục sang tên đổi chủ để được cấp biển số định danh và quản lý theo mã định danh của mình.
Những người ở trong trường hợp như anh Hoàng không ít, bởi thế thông tư 24 dành riêng điều 31 để hướng dẫn cách giải quyết đăng ký sang tên với xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người.
Theo đó, người dân đang sử dụng xe không chính chủ đến cơ quan quản lý hồ sơ đăng ký xe đó để làm thủ tục thu hồi và đăng ký sang tên mình. Trường hợp cơ quan quản lý hồ sơ đồng thời là nơi đăng ký xe trước đây thì không phải làm thủ tục thu hồi.
Về thủ tục, người dân đang sử dụng nộp hồ sơ và làm thủ tục tại cơ quan đang quản lý hồ sơ đăng ký xe đó. Người sử dụng phải nộp giấy khai đăng ký xe, trong đó ghi rõ quá trình mua bán và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc xe; nộp thêm chứng từ chuyển quyền sở hữu của chủ xe và người bán cuối cùng (nếu có) và nộp lệ phí trước bạ.
Trường hợp người dùng có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của chủ xe và của người bán cuối cùng thì trong hai ngày làm việc, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi. Xử phạt xong, nhà chức trách sẽ đăng ký sang tên theo quy định.
Nếu không có chứng từ chuyển quyền sở hữu, cảnh sát sẽ cấp giấy hẹn để họ được sử dụng xe trong 30 ngày. Cùng lúc, cảnh sát gửi thông báo cho chủ xe, cơ quan đã đăng ký cho xe đó và niêm yết công khai về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký; tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe.
Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi và tiến hành đăng ký sang tên.
Làm thế nào khi không muốn lắp biển cũ vào xe mới?
Từ 15/8, biển số sẽ đi theo người để quản lý theo mã số định danh cá nhân. Khi bán xe, chủ xe phải giữ lại đăng ký, biển số, không được giao cho chủ mới của xe. Chủ cũ phải nộp lại đăng ký, biển số cho công an để làm thủ tục thu hồi. Biển số này sẽ được cấp lại khi chủ xe đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình.
Ví dụ, anh A có biển số 30K-xxxx, được cấp và quản lý theo mã định danh cá nhân của anh ấy. Anh A chỉ được bán xe, còn biển phải nộp lại vào kho. Khi anh A mua xe khác, cảnh sát sẽ dùng lại biển số 30K-xxxx để đăng ký cho xe mới của anh.
Biển số được lưu giữ lại cho chủ xe trong 5 năm, kể từ ngày thu hồi đăng ký, biển số. Quá thời hạn trên, cảnh sát sẽ thu hồi biển đó để đưa vào kho số để thực hiện đăng ký cho xe khác.
Hiện, nhà chức trách không giới hạn số lượng biển số định danh của người dân. Một người có thể sở hữu cùng lúc nhiều biển số ôtô, xe máy. Mỗi biển sẽ gắn với một xe.
Ngoài ra, khoản 2 điều 12 thông tư quy định, sẽ cấp biển số mới trong trường hợp chủ xe chưa được cấp biển số định danh hoặc đã có biển số định danh nhưng đang đăng ký cho xe khác. Trường hợp chủ xe đã có biển số định danh và đã được thu hồi, đang ở kho số, thì nhà chức trách cấp lại theo biển số định danh đó.
Đối chiếu các quy định trên, luật sư Trần Ngọc Thạch cho hay, biển số định danh “đi theo người” nên không thể tùy tiện lựa chọn “dùng hay không dùng”.
Ví dụ, anh B đã được cấp một biển số định danh nhưng lại không muốn dùng biển này để lắp cho xe khác sẽ có hai cách. Cách thứ nhất, anh mua một xe khác sau đó đăng ký cấp một biển số định danh mới bởi hiện tại không cấm một người sở hữu nhiều biển số định danh.
Cách thứ hai, anh B bán xe, làm thủ tục thu hồi biển số, đăng ký xe theo quy định. Vì biển chỉ được lưu giữ trong 5 năm kể từ ngày thu hồi nên anh B có thể mua xe và làm thủ tục đăng ký sau 5 năm. Lúc đó, anh sẽ được cấp một biển số định danh mới do biển số định danh ban đầu của anh đã bị thu hồi để cấp cho người khác.
Không được đăng ký xe nếu chưa nộp phạt vi phạm giao thông
Theo khoản 15 điều 3 Thông tư 24/2023, tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì chưa được giải quyết đăng ký xe. Chỉ khi họ chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm giao thông mới được được đăng ký xe theo quy định.
Như vậy, người vi phạm giao thông nhưng chưa nộp phạt sẽ không được đăng ký xe khác.
Luật sư Thạch cho hay, hiện chưa có quy định cụ thể về mức phạt liên quan biển số định danh. Tuy nhiên, người dân cần hiểu rõ các quy định thay đổi so với cũ trong thông tư 24 để chấp hành và đảm bảo quyền lợi của mình. Khi mua bán xe, cả chủ cũ và chủ mới đều phải làm thủ tục sang tên xe theo đúng quy định.
Trong 30 ngày, kể từ khi làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe bắt buộc phải làm thủ tục thu hồi biển số, đăng ký xe. “Quá thời hạn trên mà vẫn không làm thủ tục thu hồi, chủ xe sẽ bị xử phạt hành chính. Hơn nữa, thông tư cũng nêu rõ khi chủ xe không làm thủ tục thu hồi sau khi bán xe sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vi phạm pháp luật liên quan chiếc xe đó”, luật sư Thạch nói.
Nếu bán xe không làm thủ tục thu hồi biển số sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019. Như vậy, với xe máy, người vi phạm sẽ bị phạt từ 800.000 đến 2 triệu đồng, tổ chức tăng gấp đôi; với ôtô, mức phạt 2-4 triệu đồng áp dụng cho cá nhân, tổ chức bị phạt gấp đôi.